fbpx

Sông Bình Dương và đất Bình Dương

Sông Bình Dương

Sông Bình Dương

Sông Bình Dương là bài viết nói về Sông Bình Dương.

Sông Bình Dương là một bài viết rất hay cho những ai có nhu cầu tìm hiểu về Sông Bình Dương. Cùng xem để biết Sông Bình Dương, đất Bình Dương và con người Bình Dương.

Hoàng Anh

THỜI XƯA: LAI LỊCH MỘT DÒNG SÔNG

Tỉnh Bình Dương nằm giữa hai con sông lớn chạy cặp theo suốt chiều dài của nó là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn ở phía tây, chảy theo hướng tây nam, làm ranh giới với thành phố Hồ Chí Minh. Sông Đồng Nai ở phía đông, chảy theo trục bắc đông, ranh giới với tỉnh Đồng Nai. Trong nội địa, tỉnh có hai con sông nhỏ hơn là sông Bé – phụ lưu của sông Đồng Nai – và sông Thị Tính, phụ lưu của sông Sài Gòn.
Trước đây, khi còn là tỉnh Thủ Dầu Một, ranh giới có hơi khác như trên:
“Tỉnh Thủ Dầu Môt bắc giáp nước Cam Pu Chia, tây giáp tỉnh Tây Ninh, đông giáp tỉnh Biên Hòa và các sắc dân Stiêng còn giữ độc lập, nam giáp tỉnh Gia Định. Phần lớn ranh giới phía tây là sông Sài Gòn, ranh giới phía đông là Sông Bé” .

[fusion_builder_container hundred_percent=”yes” overflow=”visible”][fusion_builder_row][fusion_builder_column type=”1_1″ background_position=”left top” background_color=”” border_size=”” border_color=”” border_style=”solid” spacing=”yes” background_image=”” background_repeat=”no-repeat” padding=”” margin_top=”0px” margin_bottom=”0px” class=”” id=”” animation_type=”” animation_speed=”0.3″ animation_direction=”left” hide_on_mobile=”no” center_content=”no” min_height=”none”]

Sông Bình Dương
Sông Bình Dương

Sau 1975, khi tách một phần đất của tỉnh Biên Hòa bên tả ngạn của dòng sông Đồng Nai là hai quận Tân Uyên, Dĩ An về tỉnh Bình Dương, thì biên giới của tỉnh mới kéo dài đến bờ sông Đồng Nai.
Trong khi ấy thì sông Sài Gòn từ hồi xưa vẫn luôn gắn liền với tỉnh. Hơi khác là thời trước, có lúc vùng đất nằm giữa hai sông Sài Gòn và Thị Tính còn thuộc về tổng Dương Hòa Hạ (huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định). Về sau, đất ấy được phân chia lại, thuộc về Bình Dương, nay là khu vực nằm ở phía tây hai huyện Bến Cát và Dầu Tiếng. Hai con sông Sài Gòn và Thị Tính là hai con sông khác nhau, chỉ nhập chung khi về tới vùng đất giáp ranh giữa thành phố Thủ Dầu Một và xã Phú An, huyện Bến Cát. Thế nhưng từ xưa, cũng có nhiều người hiểu lầm rằng hai con sông đó chỉ là một, và sông Thị Tính là thượng nguồn của sông Sài Gòn.

[/fusion_builder_column][fusion_builder_column type=”1_1″ background_position=”left top” background_color=”” border_size=”” border_color=”” border_style=”solid” spacing=”yes” background_image=”” background_repeat=”no-repeat” padding=”” margin_top=”0px” margin_bottom=”0px” class=”” id=”” animation_type=”” animation_speed=”0.3″ animation_direction=”left” hide_on_mobile=”no” center_content=”no” min_height=”none”]

song binh duong
Sông Bình Dương

Sông Sài Gòn dài tổng cộng 256 cây số, dù có vinh dự mang tên là sông Sài Gòn, phần đi ngang qua Sài Gòn thực ra chỉ khoảng 80 km, tức chưa tới một phần ba chiều dài của sông, còn lại phần lớn đều nằm trên địa giới của tỉnh Bình Dương. Phần rộng nhất của sông có chỗ lên đến gần 400 mét, nhưng ở đầu nguồn thường hẹp, có nơi chỉ hai ba chục mét, trẻ con bơi lội qua được. Thượng nguồn quanh co khúc khuỷu, hai bên bờ có nơi dốc cao, xa xa là cảnh núi rừng xanh thẳm. Sông bắt nguồn có thể từ trên đất Cao Miên, hay khu vực biên giới đất Việt, nằm trong các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, nay không thấy tài liệu nào ghi chính xác phát nguyên tại đâu, có thể do nhiều suối nhỏ tự rừng núi đổ về tụ lại mà thành.
Sông Thị Tính, còn gọi là sông Bà Vã, cũng có khi chỉ gọi là rạch, vì chiều ngang nhỏ hẹp của nó khi còn ở miền cao. Trong sử xưa gọi là sông Băng Bột, hay Băng Bọt, có thể là phát âm trại từ tiếng của người dân tộc bản địa như Stiêng. Sông dài 74 km, chảy ngoằn ngoèo từ huyện Dầu Tiếng, qua quận Bến Cát rồi đi ngang dưới cầu Ông Cộ, đổ ra hợp lưu với sông Sài Gòn.
Sông Sài Gòn gặp sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè, từ đó gọi là sông Nhà Bè. Ở xứ Nam kỳ có hai câu ca dao quen thuộc: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định Đồng Nai thì về” là nói đến chỗ ngã ba sông này. Tại đây sông chia làm hai nhánh đổ ra biển Đông là Lòng Tàu và Soài Rạp.
Sông Sài Gòn khá dài, lại chảy qua nhiều địa phương khác nhau, chính vì đặc điểm này mà từ xưa đến nay sông có nhiều tên gọi. Dân địa phương gọi con sông lớn chảy qua tỉnh nhà là con sông Cái, hay sông Bình Dương. Về sau, để ý trên bản đồ hay đọc sách báo mới biết sông có tên là sông Sài Gòn. Thắc mắc không hiểu tại sao người ta đặt tên kỳ vậy, bèn tìm hiểu thêm, mới thấy tên con sông này hóa ra cũng khá linh đinh, gắn liền với bao nỗi thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Tra trên internet, có tác giả cho biết:
• Từ đầu nguồn đến gần chợ Thủ Dầu Một gọi là sông Ngã Cái.
• Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc.
• Đoạn cư xá Thanh Đa cho đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (mũi Đèn Đỏ) có tên là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé (tên chữ là Ngưu Chữ giang, trong sách Gia Định Thành Thông Chí ghi là Tân Bình giang, vì ngày xưa chảy qua phủ Tân Bình.
Sông Ngã Cái, sông Thủ Khúc là những cái tên xa lạ, hỏi người Bình Dương thời nay ít ai biết đến. Trên bản đồ và tên gọi chính thức trong văn bản vẫn là sông Sài Gòn, dù là nằm xa mút ở đâu đó trên Dầu Tiếng thì nó vẫn là sông Sài Gòn. Muốn biết tại sao, chịu khó truy tìm tông tích từ trong lịch sử, ta phát hiện thêm lắm điều thú vị.
Tài liệu xưa nhất viết về đất Trấn Biên, một vùng đất rộng lớn bao gồm cả Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương cách nay hai ba trăm năm, gọi sông này là sông Tân Bình, Bình Giang hay Băng Bọt.
Trong phần viết về Trấn Biên Hòa, mô tả địa giới của huyện Bình An, cho thấy sông Bình Giang xưa, chính là sông Bình Dương ngày nay:
“Huyện Bình An (trước là tổng nay đổi làm huyện), lĩnh 2 tổng, 119 xã thôn phường ấp xóm, phía đông giáp tổng Thành Tuy huyện Long Thành, từ sông Thị Lộc liền đến gò Lão Tố; phía tây giáp sách Man nguồn thượng Băng Bọt; phía nam giáp sông Bình Giang trấn Phiên An; phía bắc giáp núi Chiêu Thái tổng Chánh Mỹ huyện Phúc Chính, liền đến sông Thị Kiên ở Ba Đốc”.
Sông Bình Giang, hay sông Bình, có thể hiểu là con sông của đất Bình An. Khoảng nửa thế kỷ sau, trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, phần viết về sông của tỉnh Biên Hòa, con sông này cũng có tên là sông Bình Giang:
“Sông Bình Giang: ở tây bắc huyện Vĩnh An 16 dặm, làm phân giới cho tỉnh này cùng tỉnh Gia Định: sông này trên tiếp sông Băng Bột cùng sông Thanh Lưu tỉnh Gia Định, hiệp dòng chảy làm sông Tam Kỳ; theo phía tây nam chảy thẳng 23 dặm làm thành đà Thị Vũ. Lại chảy 20 dặm đến huyện Nghĩa An làm thành đà Gò. Chảy 17 dặm nữa làm sông Thủ Đức, từ đó chảy xuống phía đông 34 dặm đến cửa sông Nhà Bè, huyện Long Thành rồi hiệp lưu với sông Phước Long chảy ra biển.”
Người Biên Hòa xưa gọi sông Sài Gòn là thế, nhưng người bên Gia Định thì lại gọi khác.
Trong cùng quyển sách, phần viết về trấn Phiên An, dòng sông này là sông Tân Bình. Phủ Tân Bình xưa là vùng đất thuộc tỉnh Gia Định, hay trấn Phiên An, nằm phía bên hữu ngạn của dòng sông, có một diện tích rất rộng, bao gồm cả đến vùng Dầu Tiếng, Thị Tính của Bình Dương hiện nay. Vì vậy mà sông này có tên là Tân Bình cũng là điều hợp lý:
“Sông Tân Bình, ở đất phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục gọi là sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, nước cạn cũng tới 13 thước, rộng lớn trong sâu. Tàu buôn của nước nhà cùng của các nước, thuyền biển thuyền sông, ghe xuồng nối nhau, buồm chèo chen chúc, là một nơi đại đô hội. Ở trước thành, bến đò ngoanh ngặt về phía tây, qua sông Bình Đồng (tục danh là sông Đồng Cháy), tới sông Băng Bọt, ngược lên tới phủ Tầm Phong Tích, đến nguồn cùng của thác lớn Bưng Đàm là 462 dặm. Ở trước thành, bến đò quanh về phía bắc xuống phía đông thì đến ngã ba sông Nhà Bè, làm sông Phước Bình, phóng ra biển Cần Giờ là 142 dặm rưỡi. Hai bên có nhiều chi lưu, phía tây nam của sông thì về địa giới trấn Phiên An, phía đông bắc của sông thì về địa giới trấn Biên Hòa”.
Có một chi tiết quan trọng để xác định dòng sông Tân Bình xưa chính là sông Sài Gòn nay, đó là trong các mô tả, thường đề cập đến sự liên quan với sông Băng Bột, là phụ lưu của của dòng sông Tân Bình, hay Bình Giang. Do vậy, ta cần quay lại tìm hiểu thêm về dòng sông Băng Bột:
“Sông Băng Bọt ở cực giới phía tây bắc của trấn, bắt nguồn từ chằm Đồng Nhai (chằm ấy tròn rộng sâu trong, cây rừng dầy rậm, các bộ lạc sinh man ở đó) bẻ ngoặt sang đông, nước ngọt chứa chan, đi qua đầu địa giới trấn Phiên An, làm sông Tân Bình mà nước chuyển thành lạt”.
“Sông Băng Bột: ở tây bắc huyện Bình An 65 dặm, là thượng lưu của sông Bình Giang: nguyên đầu chằm ở trong lâm phận Cam Xe chảy ra, có mấy khe hiệp lại chảy uốn về hướng đông, nước ngọt tràn trề chảy quanh 40 dặm rồi cùng sông Thanh Lưu tỉnh Gia Định hiệp lưu làm ra ngã ba sông Tân Bình, đến đây nước lại lạt”.
Trong địa bạ Nam kỳ lập từ 1836, thời vua Minh Mạng, có nhiều nơi liên quan tới địa danh Băng Bột, ví dụ:
– “Phú Thuận thôn, ở xứ Suối Cương (Cương Tuyền). Đông giáp sông nhỏ Băng Bột (hay Thị Tính)” .
Sách thời nay cũng xác định rõ việc đó:
-“Đại bộ phận điạ bàn Sông Bé nằm trong tỉnh Biên Hòa (thời kỳ Nam kỳ lục tỉnh), riêng dải đất từ ngả ba sông Sài Gòn-sông Băng Bột (cũng gọi là Thị Tính) đổ lên biên giới Cam-pu-chia thì thuộc về tỉnh Gia Định. Đúng hơn, vùng đất này là tổng Dương Hòa Hạ thuộc huyện Bình Dương phủ Tân Bình tỉnh Gia Định” .
“Trên địa phận tổng Bình An có 4 thủ chính là: Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Dầu Một và Thủ Băng Bột”.
Như vậy, đã xác định khá rõ sông Thị Tính xưa có tên là sông Băng Bột, và đồn binh ở Thị Tính có tên là Thủ Băng Bột. Tuy nhiên, hồi xưa có đôi chỗ lại mô tả không rạch ròi như thế, mà nhập chung con sông Băng Bột với sông Tân Bình làm một, kéo dài tên Băng Bột đến cả địa phận phường Phú Cường ngày nay:
“Chợ Băng Bột ở tổng Bình Chánh, cửa nhà trù mật, thuyền bè suốt bến, nhiều sản vật sơn dã” .
“Quân Hoà Nghĩa tiến đóng đồn ở chợ Băng Bọt, định kế sang sông đánh úp Phiên Trấn.”
Trong sách Gia Định Thành Thông Chí chưa thấy đề cập đến tên chợ Phú Cường mà chỉ nói đến chợ Băng Bột. Phải đến nửa thế kỷ sau, sách Đại Nam Nhất Thống Chí mới thấy xuất hiện tên chợ Phú Cường, và lúc này thì không còn đề cập đến chợ Băng Bột nữa.
Phần viết về huyện Bình Long (huyện này không phải huyện Bình Long ngày nay, mà nằm về phía đông nam của tỉnh Gia Định xưa, phần giáp biển) cũng giúp ta thấy rõ hơn sự hòa lẫn nhập nhằng tên hai con sông:
“Ở phía Nam phủ Tân Bình 28 dặm, đông tây cách nhau 28 dặm, nam bắc cách nhau 85 dặm, phía đông đến sông Băng Bột và giáp giới hạn huyện Bình An 14 dặm dư, phía tây đến sông Trúc Giang, và giáp giới hạn huyện Cửu An thuộc phủ Tân An 14 dặm; phía nam đến huyện Bình Dương và Tân Long 8 dặm; phía bắc đến giới hạn huyện Tân Minh thuộc phủ Tây Ninh 77 dặm.”.
Xem mô tả địa giới như thế thì sông Tân Bình, phía Phú Cường, Lái Thiêu, cũng còn được gọi là sông Băng Bột.
Như vậy nếu cho rằng có thời kỳ chợ Phú Cường xưa có người gọi là chợ Băng Bột thì cũng hợp lý. Tuy nhiên tên gọi này chắc là không tồn tại lâu vì nó xuất phát từ sự nhầm lẫn và không đúng trên phương diện địa lý. Khi xã hội ngày càng phát triển, các địa giới hay địa danh dần được minh định chính xác hơn, thì Băng Bột cũng quay trở lại đúng nơi xuất phát của nó mà không lấn qua “hàng xóm” nữa.
Khi về đến địa phận tỉnh Gia Định, tới khúc cư xá Thanh Đa hiện nay, sông Tân Bình bắt đầu có một cái tên mới là sông Ngưu Chữ, gọi thông thường là sông Bến Nghé. Sử sách mô tả sông Bến Nghé như sau:
“Ở phía bắc huyện Bình Dương 5 dặm, có tên nữa là sông Tân Bình, phát nguyên ở thác lớn Bương Dằm chảy xuống, thủ sở Tầm Phong đến sông Băng Bột, sông Bình Đồng, thông đến bến đò trước tỉnh rồi chuyển qua hướng bắc chảy xuống hướng đông đến cửa Tam Giang Nhà Bè hiệp với sông Phước Bình, dài 112 dặm rồi chảy ra biển Cần Giờ” .
Theo ông Trương Vĩnh Ký, sông Bến Nghé là do người Việt mình đọc trại từ tiếng Miên “Tonle ban kon kr bei” mà ra. Còn theo tích cũ thì giải thích khác:
“Tục truyền sông này khi trước nhiều cá sấu đuổi nhau kêu rống như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Khi đầu trung hưng năm Mậu thân (1788) thâu phục Gia Định, sông nầy nước trong, đến năm Gia Long thứ 16 (1817) nước lại đục. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và năm thứ 6 (1825) nước sông có 2 lần trong, người ta lại cho cái điềm thái bình vậy. Năm thứ 19 (1838) đúc 9 cái đỉnh có đúc tượng hình sông này vào cao đỉnh, năm Tự Đức thứ 3 liệt vào tự điển.”
Khi Pháp kéo quân qua đây đánh thành Kỳ Hòa (Gia Định), trong một số tài liệu của họ ghi lại vào thời kỳ này, lúc đầu họ gọi sông Bến Nghé, hay Tân Bình là sông Đồng Nai. Vùng Chợ Lớn khi ấy ta gọi là Sài Côn, còn vùng Sài Gòn ngày nay thì khi ấy gọi là Bến Nghé. Người Pháp không phân biệt như thế, gọi luôn cả vùng Bến Nghé là Sài Gòn, và do vậy, gọi con sông Bến Nghé là sông Sài Gòn. Đến năm 1869, Pháp phân chia lại địa giới hành chánh các tỉnh Nam kỳ. Huyện Bình An lúc đầu đổi thành hạt Thủ Dầu Một, rồi sau đó cải lại thành tỉnh Thủ Dầu Một, từ đó tên huyện Bình An không tồn tại nữa. Cũng từ đây, con sông Sài Gòn đoạn chảy qua Thủ Dầu Một có thêm một cái tên mới nữa là sông Thủ Dầu Một. Năm 1957, dưới chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tỉnh Thủ Dầu Một tách ra làm ba tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Sông Bình Dương, sông Thủ Dầu Một, dần dà được dân địa phương gọi cho cùng một dòng sông.
Như vậy, thưở xưa, sông Bình Dương có hai tên là sông Bình Giang, hay sông Tân Bình. Vì nó có một phụ lưu là sông Băng Bột, đôi khi người ta lại gộp chung, hay gọi nhầm đoạn sông nào đó của Bình Giang là sông Băng Bột. Ở hạ nguồn thuộc khu vực Gia Định, sông có tên là Ngưu Chữ, tục gọi Bến Nghé. Từ 1861, khi Pháp mới chiếm Gia Định, lúc đầu họ gọi là sông Đồng Nai, sau sửa lại là sông Sài Gòn. Tên sông Sài Gòn xuất hiện trên các bản đồ của Pháp vẽ và trở thành tên chính thức của dòng sông cho đến nay. Dân địa phương không mấy ý thức về điều này, nên họ thường gọi theo thói quen mộc mạc của họ, thời Pháp gọi là sông Thủ Dầu Một, thời ông Diệm gọi là sông Bình Dương. Người ở ven sông thì gọi là sông Cái, theo cách gọi phổ biến của cư dân miền sông nước ở các tỉnh Nam kỳ.
Riêng khúc sông gần chợ còn gọi sông Bạch Đằng, điều này vì con đường Hàng Dương chạy ven sông xưa tuy ngắn nhưng có đến 3 cái tên. Từ Miễu Tử Trận tới cầu Ông Kiểm là đường Thủ Tướng Thinh. Từ cầu Ông Kiểm tới cầu Thầy Năm Trong gọi là đường Bạch Đằng. Từ cầu này đi tiếp là đường Nguyễn Tri Phương. Sông Bạch Đằng là để gọi đoạn sông ngắn trên khúc đường này mà thôi.
Giặc Tây qua đây cướp nước ta, rồi cướp luôn cả tên của một dòng sông. Thế nhưng Tây đến rồi Tây đi, thì dòng sông vẫn lặng lờ chảy mãi với thời gian. Bao nhiêu thế hệ người Bình Dương đã sinh ra và chết đi, từng nhìn ngắm, tắm mát dưới dòng sông hiền hòa này. Nước ngọt của nó đã nuôi dưỡng bao nhiêu cánh đồng, vườn tược, con người nơi đây. Cái tên thưở ban đầu của nó, dù đã nằm chìm khuất trong những trang sử úa vàng, vẫn âm vang bao nỗi thân thương. Sông Bình Giang, hay sông Bình, sông Tân Bình, sông Bình An, sông Bình Dương… rất xứng đáng để được mọi người gọi nó, nói lên khát vọng nghìn đời của một dân tộc chịu đựng quá nhiều khổ đau vì chiến tranh tang tóc.
Thế nên ai muốn gọi sao mặc tình, chúng tôi vẫn muốn kêu dòng sông này bằng một cái tên giản dị đã nghe quen từ hồi còn thơ nhỏ: sông Bình Dương.

Ghi chú:
Hai con sông Sài Gòn, hay sông Bình Dương trong sử sách lại chỉ hai con sông khác, chỉ là những chi lưu của sông Bến Nghé mà thôi. Đọc thêm:
*Sông An Thông: “Sông An Thông (tục danh là sông Sài Gòn), ở về phía tây nam trấn lỵ, sông cũ từ cầu Thị Thông qua Sài Gòn đến sông Lào, quanh co nhỏ hẹp, khuất khúc nông cạn. Mùa xuân năm Kỷ mão Gia Long thứ 18 (1819), khâm mệnh Gia Định thành phố tổng trấn, thị trung tả thống chế Lý chính hầu Hoàng Công Lý giám đốc dân phu trấn Phiên An, hơn 11460 suất, chia làm ba phen, nhà nước cấp cho tiền gạo, đổi đường mở kênh mới, khởi công từ cầu Thị Thông thẳng đến sông Mã Trường (Ruột Ngựa)”
Sông Mã Trường đó, nay là sông Ruột Ngựa, xưa thuộc Gia Định, nay thuộc tỉnh Long An.
*Sông Bình Dương: ở phía Bắc huyện Bình Dương 1 dặm, là chi lưu của sông Bến Nghé, giòng sông chảy ngang nước chảy mạnh, ghe thuyền đi, thông các bến, theo giòng nước lên mà về phía nam, theo giòng nước ròng mà đi về phía bắc, qua lại không dứt, giang giới đến sông Tiểu Phong vào Sài Gòn rồi hiệp lưu với sông An Thông”

Tham Khảo:
1. Nhiều tác giả, Địa Chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng Hợp Sông Bé, 1991
2. Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, nxb. Văn Học, 2002
3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, nxb, Giáo Dục, 1998
4. Đại Nam Nhất Thống Chí, Nha Văn Hóa, 1973. (Viết xong ngày 23-05-2013)

[/fusion_builder_column][/fusion_builder_row][/fusion_builder_container]

Leave a Comment

Scroll to Top
Call Now Button